Trong bối cảnh tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa tại Việt Nam, việc tầm soát ung thư được xem là phương án hiệu quả để bảo vệ sức khỏe.

Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi ngày có hơn 300 người chết vì ung thư. Đáng chú ý trong số đó, tỷ lệ người trẻ dưới 30 tuổi tử vong vì ung thư đang gia tăng.

Theo số liệu công bố của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) và ước tính của tổ chức ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. (1)

Với những con số thống kê đáng báo động, bệnh ung thư hiện nay đã nằm trong danh sách “Top 10 bệnh gây tử vong hàng đầu” cần được quan tâm và kiểm soát. Hiện nay một số bệnh lý ung thư thường gặp như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung… đều có thể được phát hiện sớm nhờ tầm soát đúng phương pháp và đúng thời điểm.

Tầm soát ung thư là gì?

Tầm soát ung thư nhằm phát hiện bệnh ung thư trước khi bệnh gây ra triệu chứng. Tầm soát ung thư có thể được thực hiện thông qua các phương tiện hình ảnh và xét nghiệm, giúp phát hiện sớm các tế bào bất thường và các tế bào ác tính trong cơ thể.

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi – Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết: “Tầm soát ung thư để truy tìm nguy cơ ung thư, phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư ở giai đoạn sớm ngay từ khi chưa có triệu chứng, tăng khả năng điều trị khỏi bệnh và giúp cải thiện tỷ lệ sống sau 5 năm không tái phát bệnh.”

Tại sao nên khám tầm soát ung thư từ sớm?

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tuy nhiên thực tế cho thấy có thể phòng ngừa bệnh ung thư bằng cách chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được (như hút thuốc lá, béo phì, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động), đồng thời phối hợp chủ động tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư để điều trị kịp thời.

Ung thư có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và giới tính, số lượng ca mắc mới và số ca tử vong đang tăng dần theo từng năm, nên việc tầm soát ung thư cần được chú trọng. Sự phát triển kỹ thuật hiện đại trong xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh giúp tăng khả năng phát hiện các loại ung thư thông qua việc tầm soát ung thư.

Thông thường, tầm soát ung thư  nên được thực hiện tối thiểu 1 năm 1 lần.

Tầm soát ung thư được thực hiện như thế nào?

Mỗi loại ung thư có phương pháp tầm soát riêng. Khám tầm soát ung thư được thực hiện trên người bình thường, chưa có triệu chứng bệnh và áp dụng các phương pháp chẩn đoán xâm lấn tối thiểu. Thông qua kết quả tầm soát, bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu ung thư ở giai đoạn sớm. (2)

Quy trình tầm soát ung thư

Quy trình tầm soát thường sẽ được thực hiện theo các bước sau: (3)

Bước 1: Khám lâm sàng

Đây là bước cơ bản trong tầm soát ung thư. Bác sĩ sẽ hỏi về các yếu tố nguy cơ cũng như tiền sử bệnh của bản thân và gia đình, đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, cũng như hỏi về các triệu chứng bất thường của cơ thể nếu có (ví dụ: bạn bị đau ở đâu? Có triệu chứng nào bất thường không?…). Những thông tin này là các căn cứ để bác sĩ đưa ra những phương thức tầm soát phù hợp.

Bước 2: Thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng cơ bản

Sau khi đã khám lâm sàng, bạn sẽ được sắp xếp làm một số kiểm tra cận lâm sàng cơ bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm phân…

Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh

Ngoài các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể chỉ định thăm dò bằng hình ảnh học với các phương thức chẩn đoán hình ảnh như nội soi, siêu âm, chụp XQ, chụp CT cắt lớp, chụp cộng hưởng từ…

Các phương pháp tầm soát cho từng bệnh lý ung thư

Tầm soát ung thư dạ dày

Đây là nguyên nhân thứ tư gây ra các ca tử vong do ung thư ở cả nam và nữ trên toàn thế giới. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày đặc biệt phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Theo ghi nhận của Tổ chức Phòng chống Ung thư Thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 15.000 – 20.000 bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Trong đó, theo một nghiên cứu quần thể tại TP.HCM, ung thư dạ dày chiếm 6,8% ở nam giới và 3,7% ở nữ giới.

Các kiểm tra cận lâm sàng để tầm soát ung thư dạ dày bao gồm:

  • Nội soi dạ dày: là kỹ thuật tầm soát các bệnh lý dạ dày trong đó có ung thư dạ dày. Bác sĩ đưa một ống nội soi (ống mềm dài có gắn máy ảnh và đèn soi) vào miệng, qua thực quản và xuống dạ dày để quan sát bên trong dạ dày.
  • Sinh thiết: được thực hiện trong quá trình nội soi dạ dày. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ vùng nghi ngờ bất thường của dạ dày. Mẫu mô này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để xác định tính chất lành tính hoặc ác tính của tế bào dạ dày.
  • Chụp cắt lớp dạ dày: Các kiểm tra hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) và PET-CT tạo ra hình ảnh bên trong của cơ thể, từ đó xem ung thư đã di căn đến những nơi khác hay chưa.

Các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn Hp) bằng nhiều cách: kiểm tra hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm trên mẫu sinh thiết của dạ dày và các xét nghiệm khác.

“Sức khỏe của bạn, giá trị của chúng tôi”

Phòng khám đa khoa Sài Gòn Tân An cam kết cống hiến vì sức khỏe cộng đồng. 

Quý khách vui lòng liên hệ thông tin ở đây hoặc gọi đến số điện thoại của Phòng khám để được tư vấn. Trân trọng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *